Di sản Chiếc bè của chiến thuyền Méduse

Jacques-Louis David, Cái chết của Socrates 1787, 129.5 cm × 196.2 cm, Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan. David là người đại diện cho phong cách Tân cổ điển, cái Géricault tìm cách phá vỡ.

Khi nhấn mạnh vào việc miêu tả một sự thật khó chịu, Chiếc bè của chiến thuyền Méduse là một bước ngoặt trong phong trào lãng mạn mới nổi của nền hội họa nước Pháp và "đặt nền móng cho một cuộc cách mạng mỹ học"[59] chống lại phong cách Tân cổ điển thịnh hành lúc bấy giờ. Cấu trúc và cách mô tả nhân vật của Géricault tuy đậm chất cổ điển, nhưng sự hỗn loạn tương phản của chủ đề thể hiện một sự thay đổi đáng kể trong xu hướng nghệ thuật và tạo ra một cầu nối quan trọng giữa phong cách Tân cổ điển và Lãng mạn. Vào năm 1815, Jacques-Louis David, khi đó đang sống lưu vong ở Bruxelles, vừa là người đi đầu của thể loại tranh lịch sử nổi tiếng – một thể loại mà ông đã quá hoàn hảo – vừa là bậc thầy của phong cách Tân cổ điển.[60] Ở Pháp, cả tranh lịch sử và phong cách tân cổ điển tiếp tục thể hiện qua tác phẩm của Antoine-Jean Gros, Jean Auguste Dominique Ingres, François Gérard, Anne-Louis Girodet de Roussy-Trioson, Pierre-Narcisse Guérin – sư phụ của cả Géricault và Delacroix – và những nghệ sĩ khác vẫn dành trọn tâm huyết với truyền thống nghệ thuật của David và Nicolas Muffsin.

Antoine-Jean Gros, chi tiết từ Napoléon trên chiến trường Eylau, 1807, Louvre. Giống như Gros, Géricault đã từng nhìn thấy và chịu đựng áp bức bạo lực, và bị làm phiền bởi những hậu quả mà con người gây nên[8]

Trong bài giới thiệu về Tạp chí Eugène Delacroix, Hubert Wellington đã viết về ý kiến của Delacroix về tình trạng hội họa Pháp ngay trước Cuộc triển lãm tranh năm 1819. Theo Wellington, "Sự pha trộn gây tò mò giữa [phong cách] cổ điển với viễn cảnh thực tế được áp đặt bởi kỷ luật của David hiện đang đánh mất sự nhiệt tình và hứng thú. Bản thân bậc sư phụ của nó cũng đã bước vào những ngày cuối cùng của mình và đang phải lưu vọng Bỉ. Môn đồ ngoan ngoãn nhất của ông, Girodet – một nhà cổ điển tinh tế và đầy ham mê – đã tạo ra những bức tranh lạnh lẽo đến lạ lùng. Gérard, một trong những họa sĩ vẽ tranh chân dung thành công nhất dưới thời Đệ nhất Đế chế Pháp (sở hữu một số bức tranh đáng ngưỡng mộ) lún vào mốt vẽ tranh lịch sử cỡ lớn vốn đang thịnh hành lúc bấy giờ nhưng lại thiếu đi sự nhiệt huyết cần thiết."[33]

Chiếc bè của chiến thuyền Méduse tuy chứa đựng những cử chỉ và quy mô của một bức tranh lịch sử truyền thống nhưng nó miêu tả những con người bình dân, chứ không phải là anh hùng, trái ngược bối cảnh đang bày ra trước mắt.[61] Chiếc bè của Géricault rõ ràng thiếu đi một người hùng và bức tranh của ông không chứa đựng lý do gì ngoài sự sống còn mong manh. Theo lời của Christine Riding thì tác phẩm đại diện "sự ảo tưởng hy vọng và đau khổ vô nghĩa và tệ nhất, bản năng cơ bản của con người để tồn tại đã khiến họ bỏ qua mọi khái niệm đạo đức và khiến con người văn minh trở nên man rợ".[15]

Cơ bắp không tì vết của nhân vật trung tâm vẫy tàu cứu hộ gợi nhớ đến các tình tiết trong hội họa Tân cổ điển, tuy nhiên tính tự nhiên của ánh sáng và bóng tối, sự tuyệt vọng chân thật được thể hiện bởi những người sống sót và những đặc điểm tạo xúc cảm của bố cục khác biệt với sự mộc mạc của trường phái Tân cổ điển. Đó là một bước đi rời xa các chủ đề tôn giáo hoặc cổ điển của những tác phẩm trước đó vì nó mô tả các sự kiện đương thời với các nhân vật tầm thường và không anh hùng. Cả cách lựa chọn về chủ đề lẫn phương thức tôn lên khoảnh khắc kịch tính là điển hình của những bức tranh thuộc chủ nghĩa lãng mạn – những dấu hiệu mạnh mẽ về mức độ mà Géricault đã dịch chuyển khỏi phong trào Tân cổ điển đang thịnh hành lúc bấy giờ.[21]

Hubert Wellington nói rằng trong khi Delacroix là một người hâm mộ trọn đời của Gros, thì sự nhiệt tình thống trị tuổi trẻ của ông là dành cho Géricault. Những thành phần kịch tính trong tác phảm của Géricault, với sự tương phản mạnh mẽ và dáng điệu độc đáo, đã kích thích Delacroix tin tưởng vào sự thúc đẩy sáng tạo của chính mình cho một tác phẩm lớn. Delacroix đã từng nói, "Géricault đã cho tôi xem bức Chiếc bè của chiến thuyền Méduse khi anh ấy vẫn còn đang thực hiện nó." Ảnh hưởng của bức tranh có thể được nhìn thấy trong bức tranh Chiếc thuyền của Dante (1822) của Delacroix và xuất hiện trở lại như một nguồn cảm hứng trong các tác phẩm sau này như Con tàu đắm của Don Juan (1840) của Delacroix.[59]

Eugène Delacroix, Con thuyền của Dante, 1822. Ảnh hưởng của Chiếc bè của chiến thuyền Méduse đối với tác phẩm của Delacroix thời thanh xuân ngay lập tức được thể hiện rõ ràng trong bức tranh này, cũng như trong nhiều tác phẩm sau này của ông.[59]

Cũng theo Wellington, kiệt tác Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân năm 1830 của Delacroix, lấy cảm hứng trực tiếp từ Chiếc bè của chiến thuyền Méduse và Thảm sát tại Chios của chính ông. Wellington viết rằng "trong khi Géricault quan tâm đến chi tiết thực tế đến mức tìm kiếm những người sống sót trong vụ đắm tàu đó làm người mẫu, thì Delacroix cảm thấy tác phẩm của mình mang [một cái gì đó] sinh động hơn, ..., và chi phối họ bởi hình tượng tượng trưng của sự tự do của nền Cộng hòa, một trong những tạo hình xuất sắc nhất mà ông đã chế tác."[62]

Nhà sử học nghệ thuật và điêu khắc Albert Elsen tin rằng hai tác phẩm Chiếc bè của chiến thuyền Méduse và Cuộc thảm sát tại Chios của Delacroix đã cung cấp nguồn cảm hứng cho tác phẩm điêu khắc kinh điển Cánh cửa Địa ngục của Auguste Rodin. Ông viết rằng "Cuộc thảm sát tại Chios của Delacroix và Chiếc bè của chiến thuyền Méduse đã khiến Rodin đối diện với quy mô [khủng] những nạn nhân vô danh của các thảm kịch chính trị... Nếu Rodin được truyền cảm hứng để tạo nên một tác phẩm sánh ngang với kiệt tác Sự phán xét cuối cùng của Michelangelo thì ông đã sử dụng Chiếc bè của chiến thuyền Méduse của Géricault làm vật truyền cảm hứng và sự tự tin."[63]

Eugène Delacroix, Thảm sát tại Chios, 1824, 419 cm × 354 cm, Louvre. Bức tranh này bắt nguồn trực tiếp từ Chiếc bè của chiến thuyền Méduse của Géricault và được vẽ vào năm 1824, năm Géricault qua đời.[64]

Trong khi Gustave Courbet (1819–1877) có thể được mô tả như một họa sĩ phản-lãng mạn, thì các tác phẩm chính của ông như Lễ an táng tại Ornans (1849–50) hay Xưởng của người nghệ sĩ (1855) nợ Chiếc bè của chiến thuyền Méduse một món nợ. Chiếc bè của chiến thuyền Méduse không chỉ gây ảnh hưởng tới kích thước khổng lồ của tranh do Courbet vẽ, mà Courbet còn sẵn sàng khắc họa những con người bình thường cũng như các sự kiện chính trị đương thời,[65] và ghi chép lại những con người, địa điểm và những sự kiện hàng ngày trong môi trường thực tế. Tại Triển lãm năm 2004 tại Viện Nghệ thuật Clark, Bonjour Monsieur Courbet: Bộ sưu tập Bruyas từ Musee Fabre, Montpellier, đã tìm cách so sánh các họa sĩ của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19 bao gồm Courbet, Honoré Daumier (1808–1879) và Édouard Manet (1832–1883) với các nghệ sĩ gắn liền với Chủ nghĩa lãng mạn như Géricault hay Delacroix. Cuộc triển lãm đã thu hút những sự so sánh giữa tất cả các nghệ sĩ và trích dẫn rằng Chiếc bè của chiến thuyền Méduse như một công cụ ảnh hưởng đến chủ nghĩa hiện thực.[66] Nhà phê bình Michael Fried nhận xét rằng Manet trực tiếp mượn hình ảnh người đàn ông đang bế con trai từ Chiếc bè của chiến thuyền Méduse để sáng tác họa phẩm Thiên thần tại Lăng mộ của Chúa Kitô của mình.[67]

Chiếc bè của chiến thuyền Méduse thậm chí còn gây nên ảnh hưởng đến các nghệ sĩ ngoài nước Pháp. Francis Danby, một họa sĩ người Anh sinh ra ở Ireland, có lẽ đã được truyền cảm hứng từ bức tranh của Géricault khi ông thực hiện họa phẩm Hoàng hôn trên biển sau cơn bão năm 1824 và viết vào năm 1829 rằng Chiếc bè của chiến thuyền Méduse là "bức tranh lịch sử đẹp nhất và vĩ đại nhất tôi từng thấy".[68]

J. M. W. Turner, Một thảm họa trên biển (còn được biết đến là Xác tàu Amphitrite), khoảng 1833–35, 171.5 cm × 220.5 cm, Tate, Luân Đôn. Turner có lẽ đã nhìn thấy bức tranh của Géricault khi nó được triển lãm ở Luân Đôn vào năm 1820.

Chủ đề bi kịch hàng hải được thực hiện bởi J. M. W. Turner (1775–1851), người mà có lẽ giống như nhiều nghệ sĩ người Anh, nhiều khả năng đã có dịp chiêm ngưỡng bức tranh của Géricault khi nó được triển lãm ở Luân Đôn vào năm 1820.[69][70] Họa phẩm Một thảm họa trên biển của ông (khoảng năm 1835) đã ghi lại một sự cố tương tự, lần này là một thảm họa của người Anh khi một con tàu bị ngập nước và những nhân vật sắp chết được đặt ở phần tiền cảnh của bức tranh. Việc đặt một nhân vật da màu vào trung tâm của bức tranh đã được Turner tái sử dụng trong Thuyền nô lệ (1840) mang sắc thái của những người theo chủ nghĩa bãi nô.[69]

Winslow Homer, Dòng Vịnh, 1899, 71.5 cm × 124.8 cm, Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan

Dòng Vịnh (1899) bởi họa sĩ người Mỹ Winslow Homer (1836–1910), sao chép bố cục của Chiếc bè của chiến thuyền Méduse với một con tàu bị nạn bị vây quanh bởi một bầy cá mập trong khi họ đang bị một vòi rồng nước đe dọa. Cũng giống như Géricault, Homer biến một người đàn ông da đen thành nhân vật chính trong cảnh, mặc dù ở đây anh ta là người duy nhất ở trên tàu. Một con tàu ở đằng xa gợi nhớ đến con tàu Argus trong họa phẩm của Géricault.[71] Sự dịch chuyển từ kịch chủ nghĩa lãng mạn sang chủ nghĩa hiện thực được minh họa bằng sự cam chịu khắc kỷ của nhân vật chính trong tranh. Trong các tác phẩm trước đó, các nhân vật chính có thể được miêu tả bằng các biểu hiện của sự hy vọng hoặc bất lực.[72] Tuy nhiên, trong tác phẩm của Homer, trạng thái nhân vật đã chuyển thành "thịnh nộ".[71]

Đầu những năm 1990, nhà điêu khắc John Connell đã tái tạo nên bức hoạ Chiếc bè của chiến thuyền Méduse bằng cách tạo ra các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ kích thước thật, dùng giấy và nhựa đường và đặt chúng lên một chiếc bè gỗ lớn trong dự án "Raft Project" của mình, một dự án mà ông đã hợp tác với họa sĩ Eugene Newmann.[73]

Nhận xét về sự tương phản giữa các nhân vật đang hấp hối ở tiền cảnh và các nhân vật ở giữa nền bè đang vẫy về phía con tàu cứu hộ đang đến gần, nhà sử học nghệ thuật người Pháp Georges-Antoine Borias cho rằng bức tranh của Géricault đại diện cho "[hai khía cạnh khác nhau:] một mặt là sự hoang tàn và cái chết, còn mặt kia là hy vọng và cuộc sống".[74]

Đối với Kenneth Clark, Chiếc bè của chiến thuyền Méduse "vẫn là một ví dụ tiêu biểu của nghệ thuật lãng mạn thể hiện bằng phương pháp vẽ khỏa thân; và rằng nỗi ám ảnh với sự chết chóc, khiến Géricault thường xuyên đến phòng tang lễ và những nơi hành quyết phạm nhân công cộng để tăng độ chân thực của những nhân vật đã chết hoặc sắp chết trong tác phẩm của mình. Đường nét của họ có thể được lấy từ nghệ thuật cổ điển vốn đề cao sự chuẩn mực, nhưng những cử chỉ thể hiện rõ khao khát trải nghiệm bạo lực lại được thể hiện trong bức tranh."[36]

Ngày nay, một bức phù điêu bằng đồng của Chiếc bè của chiến thuyền Méduse của Antoine Étex được trang trí tại mộ phần Géricault ở Nghĩa trang Père Lachaise, Paris.[75]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiếc bè của chiến thuyền Méduse http://www.britannica.com/EBchecked/topic/489488 http://www.maverick-arts.com/cgi-bin/MAVERICK?acti... http://www.getty.edu/art/exhibitions/david/ http://www.udel.edu/PR/UDaily/2007/nov/medusa11140... http://www.louvre.fr/en/oeuvre-notices/raft-medusa http://www.persee.fr/doc/outre_0399-1385_1953_num_... http://www.nga.gov/feature/artnation/vernet/index.... http://archive.artsmia.org/crossing-the-channel/hi... http://www.terraamericanart.org/exhibitions/index.... //www.worldcat.org/oclc/680871496